Đái Tháo Đường

Bởi supadmin -06-01-2020
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa, được đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết do hậu quả của sự thiếu insulin tương đối hoặc tuyệt đối.....

I. ĐẠI CƯƠNG

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa, được đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết do hậu quả của sự thiếu insulin tương đối hoặc tuyệt đối. Tình trạng tăng đường về lâu dài sẽ gây ra nhiều rối loạn chức năng ở các cơ quan, đặc biệt là các mạch máu lớn và mạch máu nhỏ.

II. DỊCH TỂ

Tần suất bệnh ĐTĐ gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới, theo các nghiên cứu, tần suất bệnh ĐTĐ trong cộng đồng dân số chung ở mọi lứa tuổi là 2,8% vào năm 2000 và tăng lên 4,4% vào năm 2030; năm 2000 ước tính có 171 triệu người mắc bệnh ĐTĐ và con số này sẽ tăng lên 553 triệu người vào năm 2030, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, số người sinh sống ở thành thị mắc bệnh ĐTĐ sẽ tăng lên gấp đôi.

III. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH

Nguyên nhân:

   - Yếu tố di truyền.

Yếu tố môi trường:

   - Lối sống tĩnh tại: ít hoặc không hoạt động thể lực, ăn quá nhiều chất béo bão hòa, dư thừa năng lượng.

   - Các sang chấn tâm lý.

   - Tuổi thọ ngày càng gia tăng, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Cơ chế bệnh sinh:

   - ĐTĐ type 2 có bệnh nguyên đa gen, đa yếu tố và cơ chế sinh bệnh phức tạp. Trong đó, hai yếu tố nền tảng của sự phát triển bệnh và có liên hệ mật thiết là sự đề kháng insulin và rối loạn tiết insulin.

   - Hầu hết các nghiên cứu cho thấy đề kháng insulin xảy ra trước rối loạn tiết insulin nhưng bệnh chỉ phát triển khi tiết insulin trở nên không thích hợp.

   - Các yếu tố khác đóng góp vào cơ chế sinh bệnh là sản xuất glucose ở gan quá mức và chuyển hóa chất béo bất thường.

IV. CHẨN ĐOÁN

Triệu chứng lâm sàng:

- Giai đoạn sớm: thường không có triệu chứng gì.

- Giai đoạn muộn: mệt mỏi, khát nước nhiều, uống nước nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhanh, mờ mắt, vết thương lâu lành,…

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đái tháo đường theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa kỳ ADA 2019,  chẩn đoán xác định khi thỏa 1 trong các tiêu chuẩn sau:

  • 1 - Mức glucose huyết tương lúc đói ≥7,0mmol/l (≥126mg/dl).
  • 2 - Mức glucose huyết tương ≥ 11,1 mmol/l (200mg/dl) ở thời điểm 2 giờ sau- nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống.
  • 3 - HbA1c ≥ 6,5% .
  • 4 - Có các triệu chứng của đái tháo đường (như khát nước nhiều, uống nước nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhiều,...) và mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 11,1 mmol/l (200mg/dl).
  • Nếu không có triệu chứng điển hình, xét nghiệm 1,2,4 ở trên cần được lặp lại để xác định chẩn đoán. (từ 1-7 ngày sau).

V. YẾU TỐ NGUY CƠ

  • Ít vận động thể lực.
  • BMI ≥ 23kg/m2.
  • Có người thân gần nhất mắc bệnh ĐTĐ ( cha mẹ hoặc anh chị em ruột).
  • Tiền căn ĐTĐ thai kỳ hoặc sinh con > 4kg.
  • Tăng huyết áp (HA ≥ 40/90 mmHg).
  • Là thành viên của sắc dân có nguy cơ cao (Mỹ da đen, Mỹ La tinh, Mỹ bản xứ, Mỹ gốc châu Á, dân đảo Châu Á - Thái Bình Dương).
  • Rối loạn đường huyết đói hoặc rối loạn dung nạp glucose.
  • HDL-C ≤ 35 mg/dl (0.9 mmol/l) và/hoặc triglyceride ≥ 250 mg/dl (2,82 mmol/l).
  • Nữ có hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Có tiền sử bị các bệnh về mạch máu.
  • Tuổi > 45 tuổi.

Tiền đái tháo đường:

   - Rối loạn đường huyết đói: Đường huyết tương lúc đói (sau ăn 8 giờ) từ 100 -125mg/dl (5,6 - 6,9 mmol/l)

   - Rối loạn dung nạp đường: Đường huyết tương ở thời điểm 2 giờ của nghiệm pháp dung nạp glucose máu từ 140 - 199 mg/dl (7,8 - 11mmol/l)

   - HbA1c từ 5,6% đến 6,4%.

VI. BIẾN CHỨNG

1. Biến chứng cấp tính

- Hôn mê nhiễm ceton acid.

- Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu.

- Hạ đường huyết.

2. Biến chứng mạn tính

- Biến chứng mạch máu lớn: Bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não, bệnh mạch máu ngoại biên.

- Biến chứng mạch máu nhỏ: Bệnh võng mạc, bệnh thận và bệnh thần kinh do đái tháo đường.

VII. ĐIỀU TRỊ

Bao gồm chế độ ăn uống hợp lý, vận động thể lực và dùng thuốc nếu không đạt mục tiêu điều trị.

1. Các biện pháp điều trị chung:

- Điều trị toàn diện, đưa đường huyết, HbA1c, huyết áp, lipid máu về mục tiêu, duy trì cân nặng hợp lý.

- Nên điều trị theo cá thể hóa, lấy bệnh nhân làm trung tâm, tránh bị hạ đường huyết.

Mục tiêu điều trị:

2. Điều trị cụ thể:

Điều trị không dùng thuốc:

  • Bệnh nhân béo phì, thừa cân cần giảm cân, ít nhất 3-7% so với cân nặng nền.
  • Nên dùng các loại carbohydrat hấp thu chậm có nhiều chất xơ, không chà xát kĩ như gạo lứt, bánh mì đen, nui còn chứa nhiều chất xơ,…
  • Đạm khoảng 1-1,5 gam/kg cân nặng /ngày ở người không suy giảm chức năng thận.
  • Sử dụng mỡ có chứa acid béo không no một nối đôi hoặc nhiều nối đôi như dầu oliu, dầu mè, dầu lạc, mỡ cá,…
  • Giảm muối trong bữa ăn, còn # 2300 mg natri/ ngày.
  • Chất xơ ít nhất 15 gam/ngày.
  • Ngưng hút thuốc lá.
  • Uống rượu vừa phải: một lon bia (330 mL)/ngày, rượu vang đỏ # 150-200 mL/ngày.
  • Luyện tâp thể dục thường xuyên ít nhất 150 phút/ tuần.

VIII. THEO DÕI VÀ QUẢN LÝ

Theo VADE (Vietnam Association of Diabetes and endocrinology)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. American Diabetes Association. Standards of medical care in diabetes – 2019. Diabetes Care 2019; 41 (Suppl. 1);

2. Consensus Statement by The American Association of Clinical Endocrinologists and American College of Endocrinology on the Comprehensive Típ 2 Diabetes Management Algorithm – 2017 Executive Summary. Endocrine Practice 2017; 23 (No.2).

3. Phác đồ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường típ 2 năm 2017 của Bộ y tế.

----- Một số hình ảnh sinh hoạt câu lạc bộ -----

Bs Phùng Tấn Đức

Khoa Nội Tiết - Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức