Nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng chống

Bởi supadmin -15-04-2024

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây nên, siêu vi sởi thuộc họ Paramyxovirus và có tính lây lan cao.

       Bệnh đặc trưng bởi các biểu hiện: sốt, ho, sổ mũi, viêm kết mạc và phát ban ở da.

       Bệnh chỉ gặp ở người, trong đó trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng thường gặp, bệnh cũng gặp ở người lớn chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ.

      Virus sởi rất dễ lây, tỷ lệ lây nhiễm lên đến 90% nếu không có tiêm ngừa trước đó. Bệnh lây truyền qua đường không khí, giọt bắn nhiễm bệnh từ đường hô hấp của người mắc sởi có thể tồn tại trong không khí và các bề mặt trong 2 giờ.

      Bệnh có thể có các biến chứng như: tiêu chảy, viêm phổi, viêm giác mạc, viêm não, và có thể gây tử vong.

Diễn tiến của bệnh sởi điển hình: qua 4 giai đoạn

  • Giai đoạn ủ bệnh: kéo dài 6 – 21 ngày ( trung bình 13 ngày). Đây là giai đoạn virus xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc đường hô hấp và kết mạc mắt, giai đoạn này thường chưa có triệu chứng.
  • Giai đoạn tiền triệu: kéo dài 2 – 4 ngày (có thể đến 8 ngày). Giai đoạn này có các triệu chứng như: sốt, sốt cao 40 độ C, mệt mỏi, chán ăn, viêm kết mạc mắt (có thể có biểu hiện sợ ánh sáng), ho, sổ mũi., có thể phát hiện các nội ban của sởi (còn gọi là hạt Koplick) là các mụn trắng bằng đầu kim, màu trắng-xám hoặc hơi xanh, có nền ban đỏ, thường thấy ở niêm mạc miệng. Nội ban thường nổi trước khi phát ban sởi khoảng 48 giờ và mất nhanh sau đó.
  • Giai đoạn toàn phát: kéo dài 2 – 5 ngày. Sau khi sốt 3 – 4 ngày, ban nổi theo thứ tự: từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.
  • Giai đoạn hồi phục: ban nhạt màu dần rồi chuyển màu xám, bong vảy, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự xuất hiện. Nếu không có biến chứng, bệnh sởi tự khỏi, triệu chứng ho có thể kéo dài 1-2 tuần sau hết ban.

      Sởi không điển hình gặp ở trẻ đã được tiêm chủng trước đó:

      Bệnh thường không điển hình như: sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ, phát ban ít, trẻ có thể vẫn ăn uống, chơi bình thường. Tuy nhiên trẻ vẫn là nguồn lây cho trẻ khác.

Những trẻ có nguy cơ gặp biến chứng khi mắc sởi gồm:

  • Trẻ nhỏ: tỷ lệ mắc và tử vong cao ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 1 tuổi.
  • Trẻ suy giảm miễn dịch
  • Trẻ thiếu Vitamin A
  • Trẻ suy dinh dưỡng

Xử trí khi mắc bệnh sởi:

Khi trẻ có dấu hiệu mắc sởi, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.

Chăm sóc trẻ bị sởi cần lưu ý:

+ Do bệnh sởi rất dễ lây, cần có các biện pháp đề phòng lây lan như: đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, có khu vực cách ly ( từ lúc nghi mắc sởi đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban), vệ sinh tay đúng cách và vệ sinh mũi họng sau khi tiếp xúc trẻ bệnh.

+ Tái khám đúng hẹn, uống thuốc theo chỉ định của Bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt không sử dụng Corticosteroid.

+ Khi có các dấu hiệu nghi biến chứng của sởi, cần cho trẻ đi khám ngay:

  • Thở nhanh, thở rút lõm ngực
  • Khò khè hoặc thở rít
  • Khàn tiếng
  • Tím tái
  • Chảy mủ tai, chảy mủ mắt
  • Quấy khóc dữ dội
  • Tiêu chảy nặng, lượng phân nhiều, dấu hiệu mất nước: môi khô, mắt trũng, lừ đừ, li bì, uống nước háo hức.
  • Không ăn uống được
  • Co giật
  • Hôn mê

Phòng ngừa bệnh sởi:

      Phương pháp phòng ngừa hiệu quả và an toàn nhất là phòng bệnh chủ động bằng vắc xin.

      Tiêm ngừa sởi đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1985. Hiện nay, theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ được tiêm mũi thứ nhất (Sởi, MVAC) lúc 9 tháng tuổi và mũi thứ hai (Sởi – Rubella, MRVAC) lúc 18 tháng tuổi.

Tham khảo:

Phác đồ Nhi đồng 2 năm 2019

 

 BS. Phùng Quang Vinh - Khoa  Nhi

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức