BỆNH VỀ MẮT TRONG BỆNH CẢNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Bởi supadmin -05-09-2022
Bệnh Đái tháo đường gây nhiều biến chứng tại mắt, tim mạch, thận, thần kinh. Trong đó biến chứng tại mắt rất hay gặp...

1. Tổng quan về bệnh

   1.1. Bệnh Đái tháo đường: 

   Là bệnh rối loạn chuyển hóa glucid mạn tính, là một trong ba bệnh (ung thư, tim mạch, đái tháo đường) không lây truyền, có tốc độ phát triển nhanh nhất. Đái tháo đường có 2 loại chính: 

   Đái tháo đường phụ thuộc insulin (ĐTĐ típ 1): thường gặp ở lứa tuổi 10-30 tuổi.

   Đái tháo đường không phụ thuộc insulin (ĐTĐ típ 2): thường gặp ở lứa tuổi 30-70 tuổi.

   Bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường khi thỏa 1 trong 3 tiêu chí sau:

   - Đường huyết đói ≥ 7.0 mmol/L

   - ALC ≥ 6.5

   - Người bệnh có triệu chứng tăng đường huyết cùng với đường huyết bất kì ≥ 11.1 mmol/L

   1.2. Bệnh Mắt Đái tháo đường: 

   Là một nhóm các bệnh lý tại mắt do đái tháo đường gây ra, bao gồm bệnh võng mạc đái tháo đường, Đục thủy tinh thể, Glaucoma...

2. Cấu tạo nhãn cầu

   Mắt là một bộ phận cơ thể có cấu tạo bên trong hết sức tinh vi, trong đó giác mạc, thủy tinh thể, võng mạc là những bộ phận cơ bản đảm bảo chức năng nhìn của mắt.

   Thủy tinh thể trong suốt làm nhiệm vụ như một thấu kính hội tụ cho ánh sáng đi qua, tập trung các tia sáng đúng vào võng mạc để tạo thành hình ảnh rõ nét, giúp ta có thể nhìn xa gần.

   Võng mạc chứa các lớp sợi thần kinh của mắt, có vai trò tiếp nhận ánh sáng, hình ảnh mắt thu nhận được đến não, và ngược lại truyền hình ảnh mà não phân tích được đến mắt.

3. Bệnh võng mạc đái tháo đường 

   Võng mạc Đái tháo đường là bệnh lý tại võng mạc gây ra do bệnh lý đái tháo đường. Bệnh võng mạc đái tháo đường xảy ra hầu hết ở các trường hợp đái tháo đường tiến triển sau 10-15 năm. Người ta thống kê, nhìn chung sau 15 năm bị đái tháo đường, 2% bệnh nhân sẽ mù, 10% bệnh nhân thị lực kém.

   Bệnh võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân gây mù thường gặp nhất từ 20-65 tuổi.

   Nguy cơ bệnh võng mạc đái tháo đường phụ thuộc nhiều yếu tố: thời gian bị đái tháo đường, mức đường huyết và các yếu tố khác như cao huyết áp, tăng lipid máu, bệnh thận có thể tăng nguy cơ và mức độ trầm trọng của bệnh võng mạc đái tháo đường.

   Cơ chế bệnh sinh: Tình trạng đường huyết tăng cao kéo dài dẫn đến tổn thương các vi mạch máu trên võng mạc, gây xuất huyết, xuất tiết, phù nề võng mạc làm giảm sút thị lực.

   Triêu chứng: Người bệnh võng mạc đái tháo đường hầu như không có triệu chứng gì khi bệnh đang khởi phát, đến khi thị lực giảm (mắt mờ) là mắt đã bị tổn thương võng mạc nghiêm trọng. Do vậy bệnh nhân bị đái tháo đường nên thường xuyên đi kiểm tra mắt định kỳ để bác sĩ phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường và điều trị, ngăn ngừa sự giảm thị lực.

   Chẩn đoán: Khám và soi đáy mắt là cách duy nhất để phát hiện bệnh. Bác sĩ nhãn khoa sẽ nhỏ dãn đồng tử người bệnh để soi đáy mắt, nhìn thấy những tổn thương nhỏ ở võng mạc trước khi bệnh võng mạc đái tháo đường làm thay đổi thị lực.

   Điều trị: Tùy theo giai đoạn tổn thương võng mạc có thể điều trị bằng thuốc, laser hay phẫu thuật.

4. Đục thủy tinh thể 

   Đục thủy tinh thể còn gọi là bệnh cườm khô, cườm hạt ở mắt. Đục thủy tinh thể bệnh lý là tình trạng thể thủy tinh - ống kính trong suốt của mắt bị mờ, giống như một tấm kính bám đầy bụi hoặc phủ sương mù.

   Cơ chế bệnh sinh: Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu từ nước và các protein, sắp xếp trật tự để cho ánh sáng có thể xuyên qua và hội tụ trên võng mạc, giúp ta nhìn rõ các vật thể dù ở gần hay xa. Tuy nhiên dưới sự tác động của nhiều yếu tố đã làm cho các protein cấu tạo nên thủy tinh thể co cụm lại thành từng đám, làm cản trở đường truyền của tia sáng lên võng mạc, từ đó gây suy giảm thị lực.

   Nguyên nhân: Bệnh đục thủy tinh thể chủ yếu do tình trạng lão hóa thủy tinh thể gây ra nên bệnh thường xuất hiện phổ biến ở những người trung niên và cao tuổi, cụ thể là sau tuổi 40. Nếu không phát hiện, điều trị kịp thời thì nguy cơ dẫn đến mù lòa là rất cao.

   Nhiều yếu tố nguy cơ thúc đẩy tiến triển bệnh đục thủy tinh thể gồm: đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, sử dụng thuốc lá, rượu bia,...

   Triệu chứng: Bệnh đục thủy tinh thể thường tiến triển chậm dần, không gây đau đớn, kết quả là người bệnh sẽ không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc những thay đổi nào trong tầm nhìn ở giai đoạn đầu. Khi bệnh đục thủy tinh thể tiến triển, người bệnh có thể thấy xuất hiện các dấu hiệu như:

   + Mắt nhìn mờ, khó nhìn, nhanh mỏi mắt khi tập trung xem tivi hoặc đọc sách báo

   + Tăng nhạy cảm với ánh sáng, lóe sáng, quáng gà, nơi râm mát nhìn rõ hơn ngoài nắng

   + Nhìn thấy nhòe, cảm giác có "hào quang" xunh quanh, màn sương che phủ trước mắt

   + Nhìn một vật thành hai (còn gọi song thị) hoặc ba hình ảnh khác

   + Hiện tượng ruồi bay, chấm đen, đốm đen xuất hiện trước mắt

Chẩn đoán: Khám và soi đáy mắt có thể phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm

Điều trị: Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất giúp cải thiện thị lực cho người bệnh.

5. Glaucoma 

   Bệnh Glaucoma còn gọi là cườm nước, hay chứng tăng nhãn áp là bệnh lý gây tổn thương không hồi phục các sợi thần kinh thị giác kết nối mắt với não. Bệnh sẽ dẫn đến mù lòa nếu không phát hiện và điều trị sớm.

   Cơ chế bệnh sinh: Glaucoma thường xảy ra khi chất lỏng trong mắt không thể lưu thông giữa các khoang, làm tăng áp lực bên trong mắt và gây áp lực lên dây thần kinh thị giác.

   Nguyên nhân: Glaucoma không có nguyên nhân rõ ràng nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh tiến triển. đái tháo đường làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc Glaucoma.

   Triệu chứng: trong giai đoạn đầu, bệnh tăng nhãn áp không có triệu chứng. Nếu không điều trị, người bị tăng nhãn áp có các triệu chứng nhìn mờ, đau đầu, đau mắt, buồn nôn, người bệnh dần dần mất đi tầm nhìn ngoại vi, giống như đang nhìn qua một đường hầm.

   Chẩn đoán: Khám và soi đáy mắt giúp phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm.

   Điều trị: Tùy vào giai đoạn và độ nặng của bệnh, Glaucoma có thể điều trị bằng thuốc hay laser giải áp cho nhãn cầu. 

6. Phòng ngừa bệnh Mắt đái tháo đường

   Đa phần bệnh mắt đái tháo đường thường không có biểu hiện trong giai đoạn khởi phát, đến khi bệnh nhân có triệu chứng giảm thị lực thì bệnh đã tiến triển nặng, tiên lượng xấu. Để giữ được đôi mắt sáng, quan trọng nhất vẫn là phát hiện sớm và dự phòng các yếu tố nguy cơ của bệnh mắt đái tháo đường.

   Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ đưa ra 5 bước phòng ngừa bệnh mắt đái tháo đường:

   1. Khám tầm soát bệnh mắt đái tháo đường: Bệnh mắt đái tháo đường không gây khó chịu cho bệnh nhân khi bệnh trong thời kỳ khởi phát. Tuy nhiên những tổn thương vi mạch máu trên võng mạc trong giai đoạn này có thể nhìn thấy rõ khi khám và soi đáy mắt. Phát hiện sớm và điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường giúp ngăn ngừa suy giảm thị lực.

   ĐTĐ típ 1: khám mắt sau 5 năm phát hiện bệnh, tái khám định kì hằng năm.

   ĐTĐ típ 2: khám mắt ngay khi phát hiện bệnh, tái khám một lần mỗi 1-2 năm sau đó.

   2. Kiểm soát đường huyết: giữ mức đường huyết ổn định đạt mục tiêu giúp chặn đứng đà phát triển của bệnh mắt do đái tháo đường

   Theo Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ, bệnh nhân nên giữ mức đường huyết đói trong khoảng 4 - 7 mmol/L, đường huyết sau ăn dưới 11.1 mmol/L và A1C dưới 7 để hạn chế tối đa nguy cơ mắc các biến chứng mạch máu nhỏ. 

   Chế độ ăn uống đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát bệnh. Nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn bệnh tiểu đường: đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn, không làm hạ đường huyết xa bữa ăn nhằm duy trì hoạt động thể lực bình thường và duy trì cân nặng hợp lý.

   Thiết kế bữa ăn đơn giản, không quá đắt tiền và phù hợp với tập quán địa phương.

   Cân bằng tỷ lệ carbohydrate, protein và chất béo; bổ sung những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, ít chất béo và calo như rau củ, trái cây, các loại ngũ cốc nguyên hạt; theo dõi đường huyết sau bữa ăn… Bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn chế độ ăn uống thích hợp.

   3. Kiểm soát huyết áp và mỡ máu: Người bệnh cần uống thuốc đều đặn kết hợp với chế độ ăn hợp lý (hạn chế ăn mặn, thức ăn nhiều muối, giảm dầu mỡ) nhằm đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

   4. Ngưng thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, lao phổi, đái tháo đường, tăng huyết áp,... cũng như thúc đẩy bệnh diễn tiến nặng hơn. Ngưng hút thuốc lá làm giảm gánh nặng bệnh tật và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

   5. Tập thể dục: Việc vận động không chỉ giúp giảm chỉ số đường huyết, duy trì cân nặng ở mức ổn định mà còn giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch…Khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường tập thể dục thể thao ít nhất 5 ngày mỗi tuần với thời gian tập 30 phút mỗi ngày, bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn bài tập phù hợp.

 Một số hình ảnh sinh hoạt Câu lạc bộ Đái tháo đường ngày 05/09/2022 tại hội trường Bệnh viện Đa Khoa Khu vực Thủ Đức:

BS Lê Phúc An - Khoa Nội Tiết

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức