VIÊM KẾT MẠC

Bởi supadmin -06-11-2023

1. Định nghĩa

  • Kết mạc mắt là một lớp niêm mạc trong suốt, lót hết mặt trong của mi mắt và phía trước củng mạc (tròng trắng) đến phần rìa của giác mạc. 
  • Viêm kết mạc (hay còn được gọi là “đau mắt đỏ" ) là khi kết mạc bị viêm, các mạch máu sung huyết làm kết mạc phù và đỏ. 

Hình 1: Giải phẫu kết mạc 

      Có 5 nhóm nguyên nhân chính gây viêm kết mạc gồm: Siêu vi (viruses), vi khuẩn, dị ứng, độc chất, các nguyên nhân không đặc hiệu khác. Trong đó, viêm kết mạc do siêu vi thường gặp nhất, còn viêm kết mạc do vi khuẩn thường gặp ở trẻ em hơn so với người lớn. 

2. Dấu hiệu

      Các biểu hiện thường gặp của viêm kết mạc thay đổi tuỳ theo tác nhân gây bệnh: 

  • Triệu chứng tại mắt: kết mạc mắt đỏ, ngứa, chảy nước mắt, ghèn mắt nhiều, cảm giác nóng, cộm xốn ở 1 bên hoặc 2 bên mắt. 
  • Triệu chứng giống cảm thường: sốt, ho, chảy mũi, đau họng, sưng hạch, … do siêu vi gây viêm kết mạc thường cũng gây cảm thường. 
  • Các dấu hiệu viêm kết mạc do nhiễm khuẩn: ghèn mắt có mủ, màu vàng, trắng hoặc xanh, có thể dính chặt mi mắt khi thức dậy. 
  • Viêm kết mạc dị ứng thường tái đi tái lại theo mùa, bệnh ở cả 2 mắt, thường kèm theo viêm mũi dị ứng. 

      Viêm kết mạc do siêu vi thường biểu hiện triệu chứng trong 3-5 ngày đầu tiên, sau đó tự khỏi sau khoảng 1 tuần nếu không có biến chứng. Thường bị ở một bên mắt, bên còn lại có thể bị sau 24-48 giờ. Một số trẻ có thể bị đóng ghèn mắt nhiều vào buổi sáng kéo dài đến khoảng 2 tuần sau, dù các hiện tượng như đỏ mắt, kích ứng và chảy nước mắt trong ngày cải thiện nhiều.  

      Viêm kết mạc do siêu vi và vi khuẩn có khả năng lây nhiễm cao thông qua tiếp dục với dịch tiết từ mắt người bệnh, thường qua đồ vật trung gian như: các đồ vật được người bệnh cầm nắm sau khi dùng tay dụi mắt, khăn mặt, vỏ gối nằm, … Bệnh không lây truyền qua việc nhìn vào mắt người bệnh. 

       Dấu hiệu cần cho trẻ đi khám ngay

  • Cộm xốn mắt nhiều 
  • Nhìn mờ. 
  • Khó mở mắt hoặc sợ ánh sáng. 
  • Đau đầu nặng kèm nôn ói. 
  • Có chấn thương mắt gần đây. 
  • Người thường xuyên sử dụng kính áp tròng. 

3. Điều trị và phòng ngừa

      Điều trị viêm kết mạc gồm các việc: chăm sóc mắt, sử dụng thuốc nhỏ mắt theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, phòng ngừa lây lan.

Người bệnh viêm kết mạc nên chăm sóc mắt bằng cách: 

  • Chườm mắt bằng khăn
  • Rửa mắt nhiều lần trong ngày bằng nước sạch
  • Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý
  • Trành khô mắt bằng nước mắt nhân tạo
  • Không sử dụng kình áp tròng cho đến khi mắt không còn đỏ.

Sử dụng các thuốc nhỏ mắt như kháng viêm, kháng sinh nên được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa và cần nhỏ mắt đúng cách:

Trước khi nhỏ mắt:  

  • Chuẩn bị các loại thuốc cần dùng: nếu phải dùng cả thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ thì dùng thuốc nhỏ mắt trước rồi sau đó đến thuốc mỡ bôi mắt. Hai loại nên dùng cách nhau khoảng 5 phút.
  • Rửa tay sạch với xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay nhanh
  • Tiến hành nhỏ mắt, cần dảmd bảo trẻ nằm yên hoặc ngồi và ngửa đầu
  • Với trẻ lớn hoặc người lớn: dùng ngón tay nhẹ nhàng kéo mi mắt dưới xuống để tạo túi kết mạc. 

Hình 2: Nhỏ mắt cho trẻ lớn

  • Với trẻ nhỏ: đặt trẻ nằm ngửa, có thể cần thêm người giữ, và nhỏ vào khoé mắt trong (cạnh sóng mũi), Nhỏ mắt cho trẻ nhỏ sẽ dễ hơn khi trẻ mở mắt tuy nhiên nếu trẻ nhắm mắt thuốc vẫn có thể chảy vào nếu có thể giữ trẻ nằm yên trong vài phút.         
  • Đưa đầu lọ thuốc tới gần mắt, nhưng không chạm vào mắt. Bóp nhẹ để giọt thuốc chảy xuống. 
  • Nếu mỗi lần cần nhỏ hơn 1 giọt, nên đợi trong khoảng 3-5 giây trước khi nhỏ giọt tiếp theo. 

Sau khi nhỏ mắt, nên giữ trẻ nhắm mắt khoảng 5 giây để thuốc không trào ra ngoài. 

  • Nếu giọt thuốc trượt ra ngoài, có thể thực hiện lại, nhưng không quá 2 lần.
  • Rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay nhanh sau khi nhỏ mắt.

Phòng ngừa viêm kết mạc bằng cách:

  • Nâng cao sức đề kháng thông qua việc ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc và tập luyện thể dục thể thao hợp lý.
  • Phòng ngừa lây lan bằng cách: không dùng chung khăn, các dụng cụ vệ sinh cá nhân với người bệnh,
  • Không dụi mắt, che miệng khi hắt hơi
  • Rửa tay thường xuyên và đúng cách, đặc biệt sau khi tiếp xúc người bệnh. 
  • Mang kính bảo vệ mắt khi đi đến nơi nhiều bụi, khói, hoá chất...

      Đối với viêm kết mạc dị ứng: nên tìm được nguồn gây dị ứng và tránh tiếp xúc. Điều trị bằng thuốc chống dị ứng và nước  mắt nhân tạo để giảm khó chịu

4. Tài liệu tham khảo

1. Uptodate: Conjunctivitis. 

2. Phác đồ Bệnh viện Nhi Đồng 1 năm 2020: Viêm Kết mạc. 

3. British National Formulary for Children: How to give eye drops to children. 

Bs Phùng Quang Vinh

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức