THUỐC TRÁNH THAI KHẨN CẤP

Bởi supadmin -02-01-2024

1. GIỚI THIỆU CHUNG

      Tránh thai khẩn cấp ( Emergency Contraception) có thể ngăn ngừa tới hơn 95% tỉ lệ mang thai khi dùng trong vòng 3 đến 5 ngày sau quan hệ tình dục. Do đó, ngày nay các phương pháp tránh thai khẩn cấp được các chị em quan tâm và thường xuyên sử dụng hơn vì tính linh động và hiệu quả cao của nó.
      Trong các phương pháp tránh thai khẩn cấp, thuốc viên tránh thai khẩn cấp dường như là lựa chọn hàng đầu của phụ nữ sau khi phát sinh quan hệ tình dục không an toàn hoặc thất bại với các phương pháp trước đó ( rách bao cao su hoặc quên liều thuốc tránh thai hàng ngày).
      Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp không những đem lại nhiều tác dụng bất lợi cho sức khoẻ người phụ nữ mà còn không đạt hiệu quả tránh thai như mong muốn. Do đó, các chị em cần phải trang bị một số kiến thức, thông tin về thuốc tránh thai khẩn cấp để sử dụng đúng cách, tránh thai an toàn đồng thời nhận biết được các tình huống nên cần sự tư vấn của bác sĩ trong quá trình tránh thai an toàn

2. THUỐC TRÁNH THAI KHẨN CẤP LÀ GÌ?

      Thuốc tránh thai khẩn cấp (Emergency Contraceptive Pills) là phương pháp tránh thai được sử dụng sau khi phát sinh quan hệ tình dục không được bảo vệ như quan hệ tình dục không an toàn, phụ nữ bị cưỡng hiếp hoặc có sử dụng biện pháp bảo vệ khác nhưng lo sợ không thành công.

      Thành phần thuốc tránh thai khẩn cấp bao gồm lượng lớn nội tiết tố sinh dục nữ là progestin hoặc thành phần đối kháng với progestin với các cơ chế hoạt động :

  • Ngăn cản sự xâm nhập sâu hơn của tinh trùng bằng cách làm đặc chất nhầy vùng cổ tử cung của người phụ nữ.
  • Ngăn chặn hoặc trì hoãn sự rụng trứng trong chu kì sinh lý tự nhiên của người phụ nữ, từ đó cản trở sự gặp gỡ giữa trứng và tinh trùng làm chúng không thể thụ tinh.
  • Trong trường hợp trứng đã được thụ tinh bởi tinh trùng, thuốc tránh thai có tác dụng ngăn không cho nội mạc tử cung hình thành cửa sổ làm tổ. Nếu sự làm tổ đã xảy ra, thuốc không làm gián đoạn quá trình mang thai hay gây hại cho phôi đã làm tổ.

      Chính vì cơ chế trên, thuốc tránh thai khẩn cấp cần được uống càng sớm càng tốt ngay sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, thuốc tránh thai khẩn cấp cho hiệu quả ngừa thai lên đến 95% trong vòng 24 giờ đầu tiên. Nếu sử dụng càng muộn sau khi giao hợp hiệu quả ngừa thai càng thấp hơn. Tùy loại thuốc mà hiệu quả ngừa thai sẽ mất đi nếu vượt quá thời gian cho phép: 120 giờ (5 ngày) hoặc 72 giờ (3 ngày).

3. KHI NÀO NÊN SỬ DỤNG THUỐC TRÁNH THAI KHẨN CẤP?

      Thuốc tránh thai khẩn cấp nên sử dụng trong những trường hợp phát sinh quan hệ tình dục không được bảo vệ mà không muốn mang thai như:

  • Giao hợp mà không dùng biện pháp tránh thai.
  • Bị tấn công tình dục không có biện pháp tránh thai.
  • Sử dụng biện pháp tránh thai không đúng cách hoặc lo ngại về khả năng mang thai có thể xảy ra; chẳng hạn như: bao cao su bị rách, tuột; tính toán sai chu kỳ kinh an toàn để giao hợp; tuột vòng tránh thai; bỏ lỡ hoặc uống trễ thuốc tránh thai hàng ngày, xuất tinh ngoài không thành công.

 

4. CÁC LOẠI THUỐC TRÁNH THAI KHẨN CẤP HIỆN NAY:

   Loại 1 viên duy nhất

      Thuốc tránh thai khẩn cấp loại 1 viên được nhiều người lựa chọn bởi độ phổ biến trên thị trường và tính tiện lợi khi sử dụng. Phần lớn những viên thuốc loại này chỉ cho hiệu quả ngăn ngừa việc mang thai ngoài ý muốn nếu sử dụng trong vòng 72 giờ (3 ngày) sau khi phát sinh quan hệ tình dục không được bảo vệ.

      Postinor-1: Chứa hoạt chất levonorgestrel 1.5mg với liều một viên duy nhất. Đay cũng là nhãn phổ biến nhất trong nhóm thuốc tránh thai loại 1 viên. Ngoài ra cùng hoạt chất levonorgestrel có Bocinor chứa 1.5 mg hoặc Lys chứa 0,75mg levonorgestrel

      Mifestad 10 - Sử dụng chất đối kháng progestine (mifepristone 10mg). Khoảng liều 10mg có tác dụng ngừa thai an toàn; Naphamife - với cùng thành phần mifepristone 10mg cùng với tá dược vừa đủ, có xuất xứ từ Việt Nam. 

      Ngoài ra, Ella: một loại thuốc mới có tác dụng cạnh tranh thụ thể progesteron là uliprista acetate 30mg cũng là một sự lựa chọn an toàn.

Loại 2 viên

      Thuốc tránh thai khẩn cấp loại 2 viên thì mỗi viên chứa 0,75mg Levonorgestrel. Viên thứ nhất uống càng sớm càng tốt, không chậm hơn 72h và viên thứ hai uống sau viên thứ nhất 12h (không chậm hơn 16h). Nhất thiết phải uống đủ 2 viên mới có tác dụng phòng ngừa thai. Hiện nay, thuốc ngừa thai 2 viên  ít được dùng hơn so với loại 1 viên. Các loại đang lưu hành trên thị trường là Postinor-2, Happynor, Posinight 2

5. SỬ DỤNG THUỐC TRÁNH THAI KHẨN CẤP NHƯ THẾ NÀO?

      Thuốc tránh thai khẩn cấp có thể được sử dụng nhiều lần trong một chu kỳ kinh nguyệt, nhưng không nên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp như một phương pháp ngừa thai lâu dài. Việc sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp thường xuyên hơn làm tăng nguy cơ tác dụng phụ hơn là sử dụng phương pháp ngừa thai tiêu chuẩn.

      Không nên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp nhiều lần: quá 2 lần/tháng hoặc nhiều hơn 3 lần/năm bởi chúng làm tăng đáng kể các tác dụng phụ như rối loạn kinh nguyệt, mệt mỏi. Trong trường hợp dùng nhiều hơn, cần phải có sự tư vấn từ bác sĩ.

      Phụ nữ có tình trạng sức khoẻ đặc biệt cũng cần nhận được sự tư vấn từ bác sĩ trước khi lựa chọn phương pháp tránh thai khẩn cấp bằng thuốc.

      Thuốc tránh thai khẩn cấp được phát hiện là kém hiệu quả ở phụ nữ béo phì (có chỉ số khối cơ thể hơn 30 kg/m3), nhưng không đáng kể và không có lo ngại về an toàn.

6. TÁC DỤNG PHỤ CÓ THỂ GẶP PHẢI KHI SỬ DỤNG THUỐC TRÁNH THAI KHẨN CẤP

      Thuốc ngừa thai khẩn cấp chưa được chứng minh là gây ra bất kỳ biến chứng nghiêm trọng nào.

      Tuy nhiên, rối loạn kinh nguyệt sau uống thuốc ngừa thai khẩn cấp là thường gặp. Kinh nguyệt có thể tới sớm hoặc trễ hơn so với ngày dự tính. Nếu trễ kinh trên 1 tuần, chị em nên thực hiện thử thai tại nhà hoặc đến gặp bác sĩ vì nghi ngờ thất bại với thuốc.

      Các tác dụng phụ khác của thuốc thuốc ngừa thai khẩn cấp có thể là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn (thường sau khi uống thuốc), căng tức ngực, đau bụng hoặc mệt mỏi. Những hiện tường này thường không kéo dài và tự hết. Các tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp thường nhẹ đối với hầu hết mọi người. Nhưng nếu các triệu chứng nghiêm trọng, kéo dài hoặc lo lắng sau khi uống thuốc, chị em nên đi gặp bác sĩ để được thăm khám.

7. LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC TRÁNH THAI KHẨN CẤP

      Bất kỳ phụ nữ hay bé gái nào trong độ tuổi sinh sản đều có thể cần dùng biện pháp tránh thai khẩn cấp để tránh mang thai ngoài ý muốn. Không có chống chỉ định tuyệt đối với việc sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp. Không giới hạn độ tuổi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp.

      Tuy nhiên, các đối tượng sau đây nên cân nhắc và có sự tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp là:

  • Người đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai.
  • Xuất hiện tình trạng chảy máu âm đạo bất thường không rõ nguyên nhân.
  • Người có tiền sử viêm tắc tĩnh mạch hoặc bệnh huyết khối. 
  • Người đang mắc bệnh tiểu đường.
  • Người có tiền sử rối loại tuần hoàn máu não.
  • Người có bệnh động kinh, bệnh tim.

8. MỘT SỐ CÁCH HIỂU SAI VỀ THUỐC TRÁNH THAI KHẨN CẤP.

      Thuốc tránh thai khẩn cấp KHÔNG PHẢI là thuốc phá thai. Tất cả các phương pháp tránh thai khẩn cấp chỉ có hiệu quả và tác động trước khi có thai (quá trình xâm nhập của tinh trùng, sự rụng trứng, ngăn ngừa cửa sổ làm tổ) . Chúng không có tác động gián đoạn quá trình mang thai và phát triển của phôi.

      Thuốc tránh thai khẩn cấp có tác dụng bảo vệ phụ nữ khỏi nguy cơ mang thai trong cuộc quan hệ TRƯỚC ĐÓ. Việc tiếp tục quan hệ sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp làm tăng khả năng có thai ngoài ý muốn.

      Uống nhiều liều thuốc tránh thai khẩn cấp KHÔNG làm tăng hiệu quả tránh thai. Việc sử dụng nhiều liều thuốc chỉ làm tăng tác dụng phụ của thuốc. Hiệu quả tránh thai phụ thuộc vào thời điểm uống thuốc sau khi quan hệ tình dục.

  • 95% nếu dùng thuốc trong vòng 24 giờ (1 ngày) sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ
  • 85% khi uống trong vòng 25-48 giờ (2 ngày)
  • 58% khi uống trong vòng 49-72 giờ (3 ngày)

9. KẾT LUẬN

      Mặc dù là phương pháp tránh thai hữu hiệu cho những tình huống “cấp bách”, tuy nhiên thuốc tránh thai khẩn cấp cũng là “con dao hai lưỡi”, có thể gây nhiều hệ lụy ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ.

      Thuốc tránh thai khẩn cấp không phải là biện pháp hoàn hảo để tránh thai cho các trường hợp giao hợp không an toàn, việc lạm dụng thuốc tránh thai khấn cấp sẽ gây ra các hạn chế phát triển và rụng trứng. Chính vì thế, chị em không nên lạm dụng thuốc mà nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp tránh thai hiện đại phù hợp và an toàn. 

10. TÀI LIỆU THAM KHẢO

WHO (2021) https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/emergency-contraception#

ACOG (2021) https://www.acog.org/womens-health/faqs/emergency-contraception

https://www.tht.org.uk/hiv-and-sexual-health/sexual-health/improving-your-sexual-health/contraception/emergency

https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2004/0815/p707.html

BS. Trần Thị Mộng Tuyền - Khoa Sản

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức