CHÚNG TA CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO

Bởi supadmin -25-03-2024
“YES! WE CAN END TB” “ĐÚNG! CHÚNG TA CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO” Chủ đề năm nay mang đến niềm hy vọng và niềm tin mạnh mẽ như một lời khẳng định đanh thép của tất cả chúng ta rằng việc chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể. Chủ đề nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao.

1. Tổng quan

      Bệnh lao: là một bệnh lây nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis - MTB) gây nên. Bệnh lao có thể gây tổn thương ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến (chiếm 80-85%), nguồn lây chính cho người xung quanh. Bệnh lao lây qua đường không khí do hít phải các hạt bụi nhỏ có chứa vi khuẩn lao được sinh ra khi người mắc lao phổi trong giai đoạn tiến triển ho, khạc, hắt hơi. Vào ngày 24 Tháng 3 năm 1882 tại Berlin, Robert Koch đã công bố việc phát hiện ra vi khuẩn lao, mở ra con đường chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh này.

 

 

      Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2023 (WHO Global Tuberculosis Report 2023), hoạt động chẩn đoán và điều trị bệnh lao đã có sự phục hồi mạnh mẽ trên toàn cầu trong năm 2022, sau 2 năm gián đoạn liên quan đến COVID. Số bệnh nhân lao mới được phát hiện và báo cáo năm 2022 trên toàn cầu là 7,5 triệu người. Đây là con số cao nhất kể từ khi WHO bắt đầu theo dõi bệnh lao toàn cầu vào năm 1995. Trên toàn cầu trong năm 2022, bệnh lao đã gây ra khoảng 1,3 triệu ca tử vong. Con số này đã giảm so với ước tính trước đó của WHO là 1,4 triệu trong năm 2020 và 2021, và gần như quay trở lại mức số ca tử vong của năm 2019.

      Tại Việt Nam, hiện Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO Global TB Report 2023).

      Bệnh nhân bị mắc bệnh Lao nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khỏi hoàn toàn giúp chúng ta ngăn chặn nguồn lây lan tại cộng đồng. Bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời là gánh nặng cho gia đình mà còn là nguồn lây lan đáng lo ngại cho cộng đồng.

Khi có các triệu chứng như sau phải đến ngay cơ sở y tế để khám và xét nghiệm kịp thời:

2. Bệnh lao phổi có lây không?

  • Lao phổi là một bệnh lây truyền giữa người sang người thông qua đường hô hấp.
  • Những người bị bệnh lao phổi, hoặc lao thanh quản, phế quản, khi ho sẽ khạc ra vi khuẩn lao có trong những hạt nước bọt li ti, hoặc các hạt bụi nhỏ. Những người tiếp xúc với bệnh nhân lao sẽ dễ dàng hít vào và gây bệnh tại phổi.
  • Ngoài ra, môi trường sống hay ẩm ướt và ô nhiễm khói bụi, sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn lao có thể phát triển và gây bệnh.
  • Trong ăn uống, nếu sử dụng nguồn thực phẩm có chứa vi khuẩn lao cũng rất có thể bị nhiễm lao. Tiếp xúc chất thải chứa vi khuẩn lao cũng khiến con người bị lây nhiễm.

3. Chẩn đoán bệnh lao phổi.

      Căn cứ trên các triệu chứng của bệnh nêu trên như: sốt nhẹ về chiều, đổ mồ hôi trộm đêm, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, bác sĩ sẽ đồng thời khám phổi và toàn thân, có thể chỉ định một số xét nghiệm như:

  • Chụp X-quang phổi.
  • Xét nghiệm Xpert MTB/RIF (nếu có thể).
  • Nhuộm soi đờm trực tiếp để tìm AFB.
  • Nuôi cấy tìm vi khuẩn lao.

      Để chẩn đoán xác định bệnh lao phổi, cần có ít nhất 1 mẫu có AFB(+) và hình ảnh X-quang nghi lao hoặc khi có 2 mẫu đờm (+).

      Xét nghiệm phát hiện lao đồng thời phát hiện tính kháng thuốc: Xpert MTB/RIF; Xpert MTB/RIF Ultra; ...

4. Điều trị bệnh lao phổi.

  • Bệnh nhân điều trị lao theo Chương trình chống Lao của Bộ Y tế, thời gian điều trị tùy thuộc vào độ tuổi, vị trí nhiễm bệnh và tình trạng kháng thuốc…
  • Bệnh nhân lao phổi cần tuân thủ theo phác đồ điều trị, uống thuốc đầy đủ và đúng liều lượng, đặc biệt không được tự ý ngưng sử dụng thuốc khi các triệu chứng bệnh biến mất.
  • Bệnh lao phổi nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng như: tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, ho ra máu. 

5. Phòng ngừa bệnh lao phổi.

      Lao phổi là một bệnh truyền nhiễm, do đó, để phòng bệnh lây lan, có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Tiêm vacxin BCG cho trẻ để phòng bệnh lao.
  • Khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với người bệnh nên sử dụng khẩu trang.
  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ, trước và sau khi ăn.
  • Che miệng khi hắt hơi.
  • Không dùng chung đồ và vật dụng cá nhân với người bệnh.
  • Người bị bệnh lao phổi cần tránh lây nhiễm cho những người xung quanh bằng cách đeo khẩu trang, khi ho hoặc hắt hơi phải che miệng, không ngủ chung phòng, không đến những nơi có đông người, khi khạc đờm phải khác vào một nơi quy định, đờm hoặc các vật chứa nguồn lây bệnh phải được hủy đúng phương pháp.
  • Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nơi ở và nơi làm việc, nơi người bệnh lao phổi sống nên có nhiều ánh nắng mặt trời.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, tránh sử dụng các chất gây nghiện như rượu, bia, thuốc lá, khám sức khỏe theo định kỳ để phòng bệnh lao.

Một số khẩu hiệu Ngày Thế giới Phòng, chống lao:

Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2024!

Việt Nam chiến thắng bệnh lao!

Tập trung nguồn lực – Tăng cường phát hiện bệnh lao.

Lan tỏa yêu thương – Kết nối cộng đồng – Chấm dứt bệnh lao!

Đã đến lúc cùng hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao!

Sàng lọc sớm – Tránh trở nặng – Ngừa tử vong!

Vì sức khỏe Việt Nam, hãy cùng hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2035!

Tài liệu tham khảo

Bộ Y tế 2024- Hướng dẫn Chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh Lao

Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh- Bệnh Học Lao (2015).

Official American Thoracic Society/Centers for Disease Control and Prevention/Infectious Diseases Society of America Clinical Practice Guidelines: Treatment of Drug-Susceptible Tuberculosis https://www.cdc.gov/tb/publications/guidelines/pdf/clin-infect-dis.-2016-nahid-cid_ciw376.pdf

BSCK1. Đặng Đức Khiêm, BS. Nguyễn Vĩnh Thân - Khoa Nội Tổng Hợp

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức