LINEZOLID – Tác động bất lợi trong thực hành lâm sàng

Bởi supadmin -15-01-2024

1. THÔNG TIN CHUNG

      Linezolid là kháng sinh thuộc nhóm dẫn chất oxazolidion, được phê duyệt vào năm 2000 với các chỉ định điều trị nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn Gram dương [1]. Với cơ chế ức chế tổng hợp protein của vi khuẩn khác với các kháng sinh khác, dẫn đến tỉ lệ kháng chéo với linezolid thấp [2]. Bên cạnh đó, linezolid có đặc tính dược động học thuận lợi, thấm tốt vào nhiều mô và dịch trong cơ thể [3].

2. CÁC TÁC ĐỘNG BẤT LỢI TRONG THỰC HÀNH LÂM SÀNG

ỨC CHẾ TUỶ XƯƠNG

      Đã có báo cáo về những hiện tượng bất thường trong quá trình tạo máu ở bệnh nhân sử dụng linezolid, trong đó thiếu máu và giảm tiểu cầu xuất hiện phổ biến nhất trong các trường hợp lâm sàng [4] Tác dụng phụ ức chế tuỷ xương thường xuất hiện ở những bệnh nhân đã sử dụng thuốc trong ít nhất 14 ngày và chỉ số huyết học trở lại bình thường sau khi ngừng sử dụng trong khoảng từ 4 đến 20 ngày. Cơ chế gây giảm tiểu cầu được cho là do linezolid tác động trực tiếp lên tuỷ xương hoặc  thông qua cơ chế liên quan đến miễn dịch và kháng thể IgG. Trong khi đó, tình trạng thiếu máu có thể do sự ức chế tổng hợp protrin của bào quan hô hấp từ quá trình này [5]

      Một số nghiên cứu đã xác định các yếu tố nguy cơ gây ức chế tủy xương, bao gồm việc sử dụng linezolid trong ít nhất 14 ngày, thanh thải creatinin dưới 50mL/phút, bệnh gan mạn tính và suy giảm chức năng thận kèm theo chạy thận [6,7]

      Nếu có sự ức chế tủy xương đáng kể xảy ra khi điều trị bằng linezolid, nên ngưng dùng trừ những trường hợp thật sự cần thiết phải tiếp tục điều trị, trong những trường hợp đó, cần thực hiện giám sát chặt chẽ công thức máu và có chiến lược quản lý ca bệnh hợp lý. Ngoài ra, xét nghiệm công thức máu đầy đủ (bao gồm nồng độ hemoglobin, tiểu cầu, số lượng bạch cầu tổng và từng loại bạch cầu) nên được theo dõi hàng tuần ở những bệnh nhân dùng linezolid bất kể công thức máu ban đầu là bao nhiêu.

SUY CHỨC NĂNG TY THỂ

      Do có sự tương đương trong trình tự bảo tồn giữa rARN 23S trong ribosom của vi khuẩn và rARN 16S trong ribosom của tế bào động vật có vú, có giả thuyết rằng linezolid cũng tác động vào ribosom của con người, ức chế quá trình tổng hợp protein của tế bào, từ đó gây ra các tác dụng phụ như nhiễm toan lactic, vấn đề về hệ thần kinh ngoại vi và hệ thần kinh thị giác [8]

HỘI CHỨNG SEROTONIN

      Việc dùng đồng thời linezolid với các thuốc có liên quan đến serotonin (serotonergic), chẳng hạn như các thuốc chống trầm cảm, như các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), đã được báo cáo gây ra hội chứng serotonin. Các triệu chứng điển hình của hội chứng serotonin bao gồm: kích động, lú lẫn, ảo giác, tăng phản xạ, rung giật cơ, run rẩy và nhịp tim nhanh. Thông thường những triều chứng có thể được kiểm soát bằng các biện pháp chăm sóc đặc biệt và sẽ trở lại bình thường sau khoảng 48 giờ ngưng linezolid và/ hoặc tác nhân serotonergic.

      Do đó, chống chỉ định việc sử dụng linezolid cùng với các thuốc serotonergic trừ khi thực sự cần thiết [9]

BỆNH THẦN KINH  NGOẠI BIÊN VÀ THẦN KINH THỊ GIÁC

     Các triệu chứng được báo cáo liên quan đến bệnh lý thần kinh ngoại biên bao gồm đau, tê, cảm giác kiến bò và suy nhược. Các triệu chứng liên quan đến bệnh thần kinh thị giác bao gồm giảm thị lực, nhìn không rõ màu sắc hay nhìn thấy quầng sáng chói mắt. Các tác động trên thị giác sẽ được cãi thiện và trở lại bình thường khi ngưng thuốc, tuy nhiên các ảnh hưởng đối với thần kinh ngoại biên có thể sẽ không hồi phục.

      Cơ chế: Không rõ ràng; có thể liên quan đến độc tính của ty thể [9]

NHIỄM TOAN LACTIC

      Nhiễm toan lactic đã được báo cáo khi sử dụng linezolid. Bệnh nhân nếu gặp buồn nôn tái phát và nôn mửa cần được đánh giá ngay lập tức để xác định nguyên nhân nhiễm axit lactic hoặc mức bicarbonate thấp. Tuy tỷ lệ mắc bệnh tổng thể tương đối thấp, nhưng nó có thể đe dọa tính mạng, với tỷ lệ mắc bệnh 6,8% theo một nghiên cứu tổng thể. Mức lactate đỉnh dao động từ 3 đến 38 mmol/L. Hầu hết các báo cáo về nhiễm axit lactic xảy ra ở người lớn, nhưng cũng có nhiều báo cáo ở trẻ em. Thường thì nhiễm axit lactic được phục hồi trong vòng 15 ngày sau khi ngừng sử dụng linezolid, nhưng một số trường hợp có thể mất thời gian lâu hơn hoặc gây tử vong [9]

CÁC TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN KHÁC

      Ngoài các tác dụng không mong muốn đáng lưu ý nói trên thì linezolid còn có một số tác dụng phụ được ghi nhận như sau [1,9]

  • 10%: Tiêu chảy, giảm số lượng bạch cầu.
  • 1-10%: Sốt, ngứa, phát ban da, buồn nôn, nôn, táo bón, mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, tăng men gan, tăng lipase huyết.
  • < 1%: Nhiễm nấm âm đạo, nhiễm nấm hầu họng, thay đổi vị giác, thay đổi màu lưỡi.

3. KẾT LUẬN

      Linezolid là một loại kháng sinh hiệu quả trong điều trị các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, nhưng cũng có một số tác dụng phụ cần được lưu ý. Các tác dụng phụ đáng kể nhất là ức chế tủy xương, suy chức năng ty thể, hội chứng serotonin, bệnh thần kinh ngoại biên và thần kinh thị giác, và nhiễm toan lactic. Các tác dụng phụ này thường xuất hiện ở những bệnh nhân đã sử dụng linezolid trong thời gian dài, có bệnh lý nền hoặc dùng đồng thời với các thuốc khác. Do đó, khi sử dụng linezolid, cần phải theo dõi chặt chẽ công thức máu, chức năng gan và thận, và các triệu chứng liên quan đến hệ thần kinh và chuyển hóa. Nếu có sự suy giảm các dòng tế bào máu đáng kể, nhiễm toan lactic hoặc hội chứng serotonin, nên ngưng sử dụng linezolid ngay lập tức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Senior, K., FDA approves first drug in new class of antibiotics. Lancet, 2000. 355(9214): p. 1523.

2. Herrmann, D.J., et al., Linezolid for the treatment of drug-resistant infections. Expert review of anti-infective therapy, 2008. 6(6): p. 825-848.

3. Ford, C., G. Zurenko, and M. Barbachyn, The discovery of linezolid, the first oxazolidinone antibacterial agent. Current Drug Targets-Infectious Disorders, 2001. 1(2): p. 181-199.

4. Gerson, S.L., et al., Hematologic effects of linezolid: summary of clinical experience. Antimicrobial agents and chemotherapy, 2002. 46(8): p. 2723-2726.

5. Bernstein, W.B., et al., Mechanisms for linezolid-induced anemia and thrombocytopenia. Annals of Pharmacotherapy, 2003. 37(4): p. 517-520.

6. Takahashi, Y., et al., Risk factors associated with the development of thrombocytopenia in patients who received linezolid therapy. Journal of Infection and Chemotherapy, 2011. 17(3): p. 382-387.

7. Natsumoto, B., et al., Risk factors for linezolid-associated thrombocytopenia in adult patients. Infection, 2014. 42: p. 1007-1012.

8. Hirano, M., et al., Does linezolid cause lactic acidosis by inhibiting mitochondrial protein synthesis? Clinical Infectious Diseases, 2005. 40(12): p. e113-e116.

9. Uptodate. Linezolid: Drug information. 2023.

DS. Nguyễn Duy Khang - Khoa Dược

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức