GÃY XƯƠNG ĐÒN

Bởi supadmin -25-12-2023

I. ĐỊNH NGHĨA VÀ ĐẶC ĐIỂM

      Xương đòn hay xương quai xanh là một xương dài nằm ngay dưới da vùng vai, nối giữa xương ức và hệ thống đai vai – cánh tay, có tác dụng tăng sức mạnh cho chi trên khi cánh tay hoạt động ở tầm trên vai. Xương đòn cũng có chức năng bảo vệ các cấu trúc quan trọng phía dưới như bó mạch dưới đòn, đám rối cánh tay, phổi, … Ngoài ra, nó còn đóng vai trò thẩm mĩ, nhất là đối tượng nữ trẻ tuổi.

      Gãy xương đòn là tổn thương mất liên tục tại xương đòn.

      Gãy xương đòn chiếm khoảng 2,6 – 5% trong tất cả các trường hợp gãy xương. Trong đó, gãy 1/3 giữa xương đòn chiếm 66-80%, 1/3 ngoài là khoảng 25-30%, còn lại gãy 1/3 trong chỉ khoảng 3%. 

      Tại Việt Nam, tỉ lệ gãy xương đòn trái có xu hướng cao hơn so với gãy xương đòn phải. Điều này có thể lý giải là người tham gia lưu thông bằng xe máy, xe đạp phải chạy bên lề phải nên có xu hướng chống xe bằng chân trái và khi xảy ra tai nạn thì thường sẽ ngã về phía bên trái.

II. CƠ CHẾ

  • Trực tiếp: do vật nặng đập trực tiếp vào xương đòn
  • Gián tiếp: thường do té ngã đập vai, chống tay ở tư thế dạng vai.

      Do đó, tai nạn giao thông hay lao động, chấn thương thể thao là các nguyên nhân hàng đầu gây gãy xương đòn. Gãy xương đòn tương đối phổ biến trong những môn thể thao dễ va chạm mạnh như bóng đá, đua xe đạp, trượt ván, bóng rổ, bóng bầu dục…

III. PHÂN LOẠI

      Phân loại gãy xương đòn theo Allman được sử dụng phổ biến nhất dựa theo vị trí gãy trên xương đòn:

  • Nhóm 1: Gãy 1/3 giữa xương đòn.
  • Nhóm 2: Gãy 1/3 ngoài xương đòn.
  • Nhóm 3: Gãy 1/3 trong xương đòn.

IV. TRIỆU CHỨNG

      Sau một tai nạn hay một chấn thương, người bệnh sẽ cảm thấy đột ngột xuất hiện những triệu chứng sau đây và mức độ của các dấu hiệu có thể tăng lên sau một vài ngày:

      Biến dạng, xương gãy gồ ngay vùng bị gãy.

  • Ấn đau chói, lạo xạo xương.
  • Sưng đau, mất cơ năng khớp vai: không giơ tay lên đầu được
  • Dấu hiệu phím đàn, vai xệ, …
  • Triệu chứng khác có thể gặp khi có tổn thương đi kèm như đau thành ngực (gãy xương sườn/ xương bả vai), khó thở (dập phổi/ tràn máu/ tràn khí màng phổi), …
  • Trẻ không vận động cánh tay sau sinh có thể là dấu hiệu gãy xương đòn sơ sinh.

V. HÌNH ẢNH HỌC

      Việc chẩn đoán gãy xương đòn được các bác sĩ thực hiện dựa trên các triệu chứng lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng khác trước khi đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho người bệnh dựa trên mức độ chấn thương và thể trạng của người bệnh:

  • X-quang: là phương tiện dễ sử dụng nhất khi tìm bằng chứng gãy xương. Thông thường, 1 phim Xquang vai thẳng là đủ để chẩn đoán hầu hết các trường hợp gãy xương đòn. Trong trường hợp cần thiết, một số tư thế chụp phim X-quang khác sẽ được chỉ định như X-quang khớp vai tư thế nghiêng, chếch.
  • Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) thường được chỉ định trong các trường hợp gãy xương đòn kèm theo các biến chứng nguy hiểm khác như dập phổi, tràn máu/ tràn khí màng phổi, gãy xương bả vai, …

VI. ĐIỀU TRỊ

  • Điều trị bảo tồn gãy xương đòn

      Hầu hết bệnh nhân đều đạt được kết quả tốt khi điều trị bảo tồn với loại gãy ⅓ giữa xương đòn không hoặc ít di lệch.

      Mục tiêu của điều trị bảo tồn: kiểm soát cơn đau và giảm vận động tại vai và vị trí gãy xương cho đến khi liền xương vững trên lâm sàng và X-quang. Chườm lạnh càng sớm càng tốt trong 3 ngày đầu tiên giúp kiểm soát cả đau và sưng. Các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hoặc giảm đau chống viêm NSAID được bác sĩ chỉ định phù hợp theo từng mức độ đau của bệnh nhân. Các biện pháp bất động vai bao gồm:

  • Túi treo tay: giúp bệnh nhân thoải mái hơn, tuy nhiên có thể khiến bệnh nhân đau mỏi, hạn chế vận động cánh tay gây tình trạng cứng khuỷu nếu không duy trì phục hồi chức năng tích cực. Do đó, túi treo tay nên được chỉ định ở các bệnh nhân gãy ⅓ giữa xương ít hoặc không di lệch. Cần khuyến khích bệnh nhân tập luyện khuỷu, cổ bàn tay hằng ngày để duy trì tầm vận động.
  • Đai bất động vai số 8: giúp khuỷu tay và bàn tay hoạt động được tự do tránh cứng khuỷu tay và có khả năng khắc phục tình trạng di lệch chồng ngắn xương. Tuy nhiên đai phải được thường xuyên điều chỉnh để giữ chặt và duy trì vai ở tư thế thẳng, ưỡn ngực. Bệnh nhân thường than phiền khó chịu về điều này. Đai bất động số 8 nên được chỉ định ở các bệnh nhân gãy hoàn toàn di lệch chồng ngắn mà từ chối phẫu thuật, điều này giúp điều chỉnh và ngăn ngừa di lệch chồng.

      Nhược điểm chung của phương pháp điều trị bảo tồn là thời gian chờ đợi lâu, thời gian bất động cần từ 4-6 tuần, ảnh hưởng đến tâm lý và nhu cầu vận động sớm của bệnh nhân.

                                 Điều trị bảo tồn gãy xương đòn bằng cách sử dụng đai bất động

      Điều trị phẫu thuật gãy xương đòn

    Các chỉ định phẫu thuật gãy xương đòn bao gồm:

  • Gãy xương hở
  • Gãy xương đòn di lệch hoàn toàn
  • Gãy xương đòn có đầu gãy di lệch ngay sát dưới da, có nguy cơ chọc thủng da: thường gặp ở gãy đầu ngoài xương đòn.
  • Gãy di lệch chồng ngắn > 2 cm
  • Gãy phức tạp với mảnh gãy di lệch xoay ngang
  • Chèn ép bó mạch, đám rối thần kinh (hiếm gặp).
  • Gãy đầu trong xương đòn với mảnh gãy di lệch chèn ép cấu trúc trung thất.
  • Gãy nhiều xương: mổ để phục hồi chức năng sớm.
  • Gãy xương đòn có phần cơ kẹt vào ổ gãy.
  • Bệnh nhân có nhu cầu phẫu thuật để quay trở lại vận động sinh hoạt sớm.
  • Không liền xương có triệu chứng sau điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.

      Lợi ích rõ ràng nhất của phẫu thuật là giúp người bệnh có thể nhanh chóng khôi phục vận động vai, trở lại sinh hoạt hằng ngày sớm nhất.

 

                                                      Điều trị gãy xương đòn bằng phẫu thuật

                        Hình ảnh thực tế tại khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức

VII. BIẾN CHỨNG

      Biến chứng ở bệnh nhân gãy xương đòn có thể do tác động của vị trí gãy xương với các tổ chức thần kinh và phần mềm xung quanh hoặc cũng có thể do phương pháp điều trị không đúng hay quá trình phục hồi sai nguyên tắc. Các biến chứng thường gặp của gãy xương đòn như:

  • Tổn thương bó mạch dưới đòn, đám rối thần kinh cánh tay
  • Tràn máu, tràn khí màng phổi
  • Không liền xương: được xác định trên lâm sàng và X-quang sau khoảng 4 – 6 tháng
  • Can lệch: là tình trạng liền xương nhưng ở vị trí không phù hợp về giải phẫu
  • Viêm thoái hóa khớp cùng vai đòn hoặc khớp ức đòn (trong các trường hợp gãy đầu trong hoặc đầu ngoài xương đòn)
  • Các biến chứng liên quan đến phẫu thuật (nhiễm trùng, viêm da kích ứng, gãy dụng cụ kết hợp xương, ...)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Clavicle, AO principles of fracture management
  • Bài giảng Gãy xương đòn, Đại học Y dược TP.HCM

BS. Lê Việt Nhật - Khoa Chấn Thương Chỉnh Hình

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức