DỊ VẬT GIÁC MẠC

Bởi supadmin -08-01-2024

      Dị vật giác mạc có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được xử lý đúng cách. Với những dị vật phức tạp cần phải được thực hiện thủ thuật lấy dị vật bởi các bác sĩ có chuyên môn để tránh những vấn đề nguy hiểm có thể gặp phải.

TÁC HẠI DO DỊ VẬT GIÁC MẠC NẾU KHÔNG ĐIỀU TRỊ SỚM, ĐÚNG CÁCH

Giác mạc mắt rất dễ bị các dị vật bay vào. Nếu chỉ là dị vật đơn giản như hạt cát, bụi thường chỉ gây cộm, đỏ mắt, chảy nước mắt. Trường hợp này chỉ cần rửa trôi dị vật bằng nước sạch. Có thể tra một loại thuốc kháng sinh tại chỗ để phòng nhiễm khuẩn.

      Tuy nhiên, nhiều trường hợp mắt bị “tấn công” bởi các dị vật phức tạp, đa dạng, gây hại lớn, lúc đó cần được làm  thủ thuật lấy dị vật giác mạc sớm để tránh biến chứng. Một số dị vật phức tạp bao gồm:

  • Nếu dị vật là vôi bột, việc rửa nước có thể làm bỏng mắt gây mù lòa.
  • Nếu dị vật gây tổn thương giác mạc, có thể dẫn đến biến chứng như viêm loét giác mạc, thủng giác mạc nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
  • Khi dị vật có nguồn gốc thực vật dễ dẫn đến nguy cơ giác mạc mắt bị viêm loét do nấm. Khi đó rất mất thời gian điều trị và thường để lại biến chứng sẹo giác mạc gây giảm thị lực.
  • Nếu dị vật gặp phải khi đang lao động với máy móc công nghiệp, thường là các dị vật nguy hiểm như bụi kim loại, đi sâu vào nội nhãn gây tổn thương các cấu trúc bên trong nhãn cầu.
  • Việc dùng kính áp tròng nhưng không tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh cũng có thể khiến cho giác mạc bị tổn thương dẫn tới bệnh lý viêm loét giác mạc.
  • Tác hại của dị vật giác mạc càng nghiêm trọng hơn khi nhiều người xử lý bằng cách tự mua thuốc tra, tự lấy dị vật ra dù với bất kể dị vật nào. Nếu tự ý dùng các loại thuốc có chứa Corticosteroid càng làm nặng thêm tình trạng tổn thương giác mạc, thậm chí làm thủng giác mạc.  

LẤY DỊ VẬT GIÁC MẠC BẰNG CÁCH NÀO?

      Có các phương pháp lấy dị vật giác mạc tùy thuộc vào từng mức độ bệnh như:

      Dị vật ở trên hoặc trong kết mạc có thể lấy ra ngay bằng cách rửa tay thật sạch rồi vạch mắt bệnh nhân và dùng một miếng vải sạch mềm để đẩy nhẹ dị vật dần ra khỏi mắt. Nếu là những hạt bụi nhỏ, có thể cho bệnh nhân chớp mắt trong một chén nước sạch, hoặc dùng nước sạch rửa mắt liên tục để làm trôi dị vật ra.

      Nếu dị vật nằm trên giác mạc hoặc xuyên nhãn cầu, có thể cần phải nhỏ phẩm nhuộm fluorescein vào mắt để phát hiện các vết trầy xước hay xuyên thủng do dị vật gây ra. Trong một số trường hợp cần phải cho siêu âm hay chụp X quang

      Trường hợp dị vật giác mạc lớn và ghim sâu, có thể gây tê bề mặt bằng dung dịch nhỏ mắt rồi dùng các dụng cụ chuyên dùng để gắp, lấy dị vật ra. Sau đó cho thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ bôi mắt có kháng sinh vào rồi băng lại.

      Sau khi lấy dị vật ra, có thể vệ sinh mắt bằng nước sạch rồi cho dùng chloramphenicol dạng thuốc mỡ mỗi ngày 3 lần. Nếu đau nhiều, cho băng mắt trong khoảng 4 giờ. Kiểm tra lại sau 24 giờ để chắc chắn là không có bất cứ triệu chứng khác lạ nào.

PHÒNG TRÁNH DỊ VẬT GIÁC MẠC

      Để phòng dị vật giác mạc, trong quá trình lao động, đặc biệt là lao động trong các ngành công nghiệp có nguy cơ bị dị vật mắt cao như ngành cơ khí,xây dựng, phải có kính bảo hộ.

      Khi đi ra đường nên đeo kính trắng không số (với người không bị cận, viễn, loạn thị), hoặc đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi khói, bụi, gió.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

      Nhãn khoa lâm sàng. Bộ môn Mắt, Trường đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh.  

BS. Phạm Công Lưu - Khoa Mắt

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức