CÁ THỂ HOÁ TRONG ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA ĐỘT QUỴ

Bởi supadmin -03-10-2023

      Đột quỵ hiện nay là một vấn đề thời sự trong y học và y tế. Bệnh có tần suất 0,2% trong cộng đồng, phần lớn ở người trên 65 tuổi với tỉ lệ khoảng 1%. Trên thế giới, tỷ lệ tử vong của nhóm bệnh này đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư, nhưng tỷ lệ tàn phế đứng hàng đầu.

      Đột quỵ có liên quan đến nhiều bệnh như Tăng huyết áp, Đái tháo đường, Xơ vữa động mạch, Rối loạn chuyển hoá lipid máu… Sau giai đoạn cấp tính, bệnh nhân có thể bị suy giảm nhận thức, nhất là sa sút trí tuệ. Do đó, dự phòng và biết xử trí đột quỵ là một yêu cầu cấp thiết đối với ngành y tế cũng như cộng đồng.

      Hằng năm, có khoảng 700.000 người Mỹ bị đột quỵ và gây tử vong cho khoảng 150.000 người Mỹ. Tại một thời điểm bất kỳ, có 5,8 triệu người dân tại Mỹ bị đột quỵ, gây tiêu tổn chi phí cho các chăm sóc sức khoẻ liên quan tới đột quỵ tới gần 70 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Thêm vào đó, 11% người Mỹ ở độ tuổi 55-64 bị nhồi máu não không có triệu chứng hay thầm lặng; tỷ lệ mắc bệnh hiền lành tăng tới 40% ở tuổi 80 và 43% ở tuổi 85. Các đột quỵ được phân loại chung thành đột quỵ nhồi máu nãođột quị chảy máu não

      Đột quỵ nhồi máu não chiếm khoảng 80-85% các trường hợp đột quỵ và được chia thành các phân nhóm là: huyết khối xơ vữa động mạch lớn, thuyên tắc mạch não, đột quỵ lỗ khuyết hay nhồi máu lỗ khuyết và giảm tưới máu hệ thống.

      Đột quỵ chảy máu não chiếm khoảng 15-20% số đột quỵ còn lại.

      Phân biệt giữa đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ chảy máu não là điều cốt yếu: Do sử dụng sớm và điều trị tiêu huyết khối thích hợp làm giảm tới 30% nguy cơ bị tàn phế mức độ vừa và hay nặng đối với đột quỵ nhồi máu não nhưng điều trị này bị chống chỉ định đối với đột quỵ chảy máu não.

      Cứ 100 bệnh nhân được điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch sẽ có thêm khoảng 11 bệnh nhân có kết cục thuận lợi trong năm tiếp theo. Xử trí tích cực các biến chứng liên quan tới đột quỵ và áp dụng kiên định các biện pháp làm giảm nguy cơ tim mạch và bệnh mạch não cũng có vai trò quan trọng đối với tiên lượng đột quỵ.

NHỮNG DẤU HIỆU NHẬN BIẾT ĐỘT QUỴ

      Quy tắc FAST: do Hội tim mạch Hoa Kỳ và nhiều tổ chức khác trên thế giới dùng để phổ biến cho người dân sớm nhận biết bị đột quỵ. FAST có nghĩa là nhanh chóng, là 4 từ được ghép lại

  • Face (mặt) – Có xệ mặt một bên trong khi cố gắng mỉm cười không?
  • Arms (tay) – Một cánh tay có thấp hơn trong khi cố gắng giơ cả hai tay lên không?
  • Speech (lời nói) – Có thể nói và nhắc lại một câu đơn giản được không? Có nói lắp hoặc nói kỳ lạ (khó hiểu) hay không?
  • Time (thời gian) – Thời gian đột quỵ được tính tới từng giây từng phút. Nếu phát hiện được bất cứ dấu hiệu nào thì nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất có cấp cứu điều trị đột quỵ.

Câu thơ lục bát đáng để nhớ: “CƯỜI MÉO, NÓI NGỌNG, XUỘI TAY

                                                 GỌI NGAY CẤP CỨU ĐI NHANH ĐỪNG CHỜ”

A. Phục hồi chức năng sau đột quỵ

      Trước đây, việc điều trị đột quỵ chủ yếu là điều trị bảo tồn và kiểm soát các yếu tố nguy cơ làm tình trạng đột quỵ nặng hơn. Ngày nay, Phục hồi chức năng sau đột quỵ là việc làm cấp bách, cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Điều trị kịp thời và áp dụng đúng phương pháp sẽ giúp người bệnh khôi phục lại chức năng vốn có, sớm quay trở lại cuộc sống bình thường, tái hòa nhập cộng đồng.

1. Vai trò của phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ

      Phục hồi chức năng sau đột quỵ là phương pháp giúp người bị đột quỵ khôi phục lại các chức năng đã bị mất, giúp họ tham gia vào những sinh hoạt hằng ngày và có cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn.

      Cụ thể vai trò của phục hồi chức năng cho người bị đột quỵ rất quan trọng:

  • Giúp nâng cao tầm vận động, tăng cường lực cơ.
  • Cải thiện khả năng ngôn ngữ
  • Cải thiện tình trạng yếu nửa người/liệt nửa người
  • Khôi phục khả năng giữ thăng bằng và di chuyển
  • Thực hiện các sinh hoạt hàng ngày một cách độc lập
  • Giảm cảm giác mặc cảm, tự ti ở người bệnh; giúp họ sống vui vẻ và lạc quan
  • Xử lý và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm

      Phục hồi chức năng sau đột quỵ đóng vai trò quan trọng ngang bằng với việc phòng ngừa và điều trị

2.Hành trình phục hồi của bệnh nhân sau đột quỵ thường trải qua 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn cấp (0 – 24 giờ) 
  • Giai đoạn phục hồi sớm (24 giờ – 3 tháng)
  • Giai đoạn phục hồi muộn (3 – 6 tháng) 
  • Giai đoạn mãn tính (> 6 tháng).

      Như vậy, người bệnh sau đột quỵ não cần tập phục hồi chức năng ngay khi ổn định hoặc 3 – 4 ngày kể từ sau đột quỵ. Giai đoạn 3 tháng đầu sau đột quỵ rất quan trọng.

B. Phòng ngừa đột quỵ tái phát

Một số yếu tố nguy cơ không thay đổi được: (Tuổi, Giới, Chủng tộc)

Một số yếu tố nguy cơ thay đổi được:

  • Tăng huyết áp
  • Rối loạn chuyển hóa lipid (Xơ vữa động mạch)
  • Đái tháo đường
  • Bệnh tim bẩm sinh hoặc mắc phải
  • Hội chứng chuyển hóa (béo phì)
  • Ít tập luyện,
  • Căng thẳng - stress kéo dài
  • Tiền sử Đột quỵ, Cơn thoáng thiếu máu não
  • Lạm dụng rượu - bia, hút thuốc lá….

Khoảng 30% ĐQ tái phát & thường sẽ nặng hơn.

C.    Kết luận:

1. Nếu nghi ngờ bị đột quỵ hãy nhớ đến FAST

2. Phục hồi chức năng (PHCN) rất quan trọng trong điều trị đột quỵ

3. Hãy phòng ngừa tiên phát và thứ phát nếu có các yếu tố nguy cơ

4. Mỗi bệnh nhân là một cá thể hoá trong điều trị đột quỵ cũng như phòng ngừa đột quị tái phát.

Một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt:

BS.CK2. Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng khoa Nội thần kinh 

Bệnh viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức