TỔNG QUAN VỀ BỆNH DO NÃO MÔ CẦU: NGUYÊN NHÂN, CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ BIỆN PHÁP DỰ PHÒNG HIỆU QUẢ

Bởi supadmin -02-07-2025
Khoa Nhiễm - bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức đã tiếp nhận và điều trị một ca viêm màng não do não mô cầu gây ra. Đây là một bệnh lý truyền nhiễm cấp tính và gây nguy hiểm cho người bệnh nếu không được điều trị kịp thời.

      Vừa qua ngày 21/04/2025, khoa Nhiễm (BV ĐKKV TĐ) tiếp nhận một bệnh nhân nam tên N.T.G - sinh năm 1989 - ở Tp. Hồ Chí Minh với các triệu chứng ban đầu như: bệnh tỉnh, sốt, mệt mỏi, đau đầu và mỏi các cơ toàn thân kèm đau họng, ho ít đờm trong. Các bác sĩ nhanh chóng khai thác bệnh sử, dịch tễ và thăm khám lâm sàng nhận định theo dõi một trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu. Ngay lập tức, bệnh nhân được cách ly và điều trị kháng sinh theo phác đồ. Sau hơn 10 ngày điều trị, tình trạng lâm sàng bệnh nhân đã cải thiện: bệnh hết sốt, tri giác tỉnh táo, ăn uống tốt, không còn đau đầu hay đau cơ.

Vậy bệnh do não mô cầu là bệnh gì? Dấu hiệu như thế nào?

      Bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh do não mô cầu có các thể lâm sàng: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim, ... trong đó viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết là thường gặp hơn. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15% nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.  

      Bệnh thường khởi phát với các biểu hiện nhiễm trùng cấp tính như: sốt cao đột ngột, có thể có rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu, dấu hiệu màng não - não hay rối loạn ý thức, li bì, kích thích vật vã, có thể có co giật, hôn mê. Người bệnh thường xuất hiện kèm theo các  ban xuất huyết hoại tử hình sao, xuất hiện sớm và lan nhanh, thường gặp ở hai chi dưới. Tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nếu không cải thiện sẽ sớm rơi vào vào tình trạng sốc (mạch nhanh, huyết áp hạ hoặc kẹt), thiểu niệu, vô niệu, suy đa tạng và có thể tử vong nhanh trong vòng 24 giờ.

      Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại, ...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Tại nước ta, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương,  hay gặp vào mùa đông - xuân. Bệnh do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Nguyên nhân gây bệnh

      Neisseria meningitidis (hay còn gọi là meningococcus) là tác nhân gây bệnh. 

      Dựa vào một số đặc tính riêng, người ta chia vi khuẩn não mô cầu thành 4 nhóm chính là A, B, C và D. Trong đó, não mô cầu nhóm A và B là thường hay gặp nhất. Vi khuẩn não mô cầu là vi khuẩn gram (-), 2 tế bào cạnh nhau như 2 hạt cà phê và thường nằm trong bào tương của bạch cầu đa nhân.

      Vi khuẩn não mô cầu có sức đề kháng rất yếu, mặc dù ở trong dịch não tủy nhưng vi khuẩn cũng chỉ sống được vài giờ khi ra ngoài cơ thể và sẽ bị diệt bởi 56 độ C trong 30 phút hoặc 60 độ C trong 10 phút. Thời gian ủ bệnh của chúng, từ 2-10 ngày, thông thường từ 3- 4 ngày. Ban đầu, vi khuẩn thường chỉ gây viêm niêm mạc hầu họng sau đó xâm nhập vào máu và màng não tuỷ gây bệnh điển hình. Thời kỳ lây truyền của não mô cầu tuỳ thuộc vào sự tồn tại của chúng ở mũi họng của người nhiễm khuẩn và vi khuẩn sẽ biến mất ở mũi họng sau 24 giờ điều trị kháng sinh. Khi ở ngoài cơ thể, vi khuẩn không tồn tại lâu trong dịch tiết mũi họng.

Điều trị bệnh do não mô cầu

Nguyên tắc điều trị

      Bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm vi khuẩn cấp tính, đưa đến nhiễm trùng máu và viêm màng não do đó việc điều trị cần đảm bảo các nguyên tắc sau:

  • Chẩn đoán sớm ca bệnh
  • Sử dụng kháng sinh sớm
  • Hồi sức tích cực
  • Cách ly bệnh nhân

Điều trị cụ thể

Kháng sinh phù hợp:

      Penicillin G: 20 – 30 triệu UI (đơn vị quốc tế)/ngày, truyền tĩnh mạch liên tục hoặc tiêm tĩnh mạch 2 - 4 giờ/lần. Trẻ em 200.000-300.000UI/kg/ngày. Ampicillin: 2g/lần, tiêm tĩnh mạch 6h/lần. Trẻ em 200-250 mg/kg/ngày. Cefotaxim: 2g/lần, tiêm tĩnh mạch 6giờ/lần. Trẻ em 200-300mg/kg/ngày. Ceftriaxone: 2g/lần, tiêm tĩnh mạch 12 giờ/lần. Trẻ em 100mg/kg/ngày.

      Nếu dị ứng với các kháng sinh nhóm Beta Lactam:

  • Chloramphenicol 1g, dùng 2-3g/ngày, trẻ em từ 50-100mg/kg/ngày (nếu còn tác dụng).
  • Ciprofloxacin 400mg/lần, truyền tĩnh mạch 2 lần/ngày. Trẻ em 15 mg/kg/lần truyền tĩnh mạch x 2 lần /ngày.

      Thời gian điều trị kháng sinh tối thiểu từ 7 – 14 ngày hoặc 4 – 5 ngày sau khi bệnh nhân hết sốt, tình trạng huyết  động ổn  định, xét nghiệm dịch não tuỷ bình thường (đối với viêm màng não mủ do Não mô cầu).

Điều trị hỗ trợ và triệu chứng:

      Hạ sốt, an thần, điều chỉnh nước và điện giải, chống phù não, hỗ trợ hô hấp, điều trị suy tuần hoàn, sốc như: bù dịch, thuốc vận mạch, lọc máu,... Bên cạnh đó, có thể xem xét sử dụng corticoid trong trường hợp sốc không đáp ứng với thuốc vận mạch. Thường dùng methylprednisone liều 1-2 mg/kg/ngày, hoặc hydrocortisone 4mg/kg/ngày, trong thời gian 2 ngày.

Biện pháp dự phòng

  • Bệnh não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây thành dịch. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề và tỉ lệ tử vong cao. Do đó, cần nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh từ sớm bằng các biện pháp như.
  • Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
  • Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

  • Tiêm vắc xin phòng bệnh: Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh não mô cầu nhóm A, B và C. Có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm 1 liều duy nhất, nhắc lại mỗi 3 năm/lần.
  • Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám tại các cơ sở khám chữa bệnh càng sớm càng tốt.

Tham khảo:

  1. QUYẾT ĐỊNH  975 CỦA BYT VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH NHIỄM NÃO MÔ CẦU.
  2. Phác đồ điều trị bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.

BS. Huỳnh Minh Nhựt - Khoa Nhiễm 

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức