LƯU Ý GÌ KHI SỬ DỤNG XÉT NGHIỆM CORTISOL HUYẾT THANH TRONG THỰC LÂM SÀNG KHI ĐANG DÙNG CORTICOID NGOẠI SINH ?

Bởi supadmin -21-05-2025

      Suy thượng thận mạn (chronic adrenal insufficiency) là tình trạng thiếu hụt hormon cortisol nội sinh kéo dài, dẫn đến rối loạn điện giải, giảm kháng stress và nguy cơ hạ huyết áp nặng. Xét nghiệm cortisol (huyết thanh, nước tiểu, nước bọt) được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán và theo dõi. Tuy nhiên, thực tế lâm sàng tồn tại nhiều hạn chế về phương pháp đo, thời điểm lấy mẫu, lạm dụng xét nghiệm và sự can thiệp của corticoid ngoại sinh, gây hiểu nhầm chẩn đoán hoặc chẩn đoán muộn.

      Chúng ta cần biến rằng, tất cả các loại corticoid ngoại sinh thông dụng hiện tại đều có khả năng ức chế tiết ACTH do ảnh hưởng mạnh đến trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thân (HPA) tùy theo mức độ mạnh nhẹ khác nhau, từ đó làm giảm cortisol nội sinh, gây ra suy thượng thận thứ phát nếu sử dụng kéo dài [1]. Thứ hai, một số loại còn có thể phản ứng chéo trực tiếp với xét nghiệm cortisol huyết thanh bằng phương pháp miễn dịch thông thường được sử dụng ở đa số các phòng xét nghiệm tại Việt nam. Vì vậy nên sai số trong việc định lượng Cortisol huyết thanh cần được hiểu rõ hơn để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác trong khi sử dụng chỉ số này để kết luận bệnh và đưa ra quyết định lâm sàng phù hợp. Tóm tắt lại, ảnh hưởng đến xét nghiệm cortisol huyết thanh phụ thuộc vào các yếu tố bao gồm: Loại corticoid - Liều và thời gian dùng - Khoảng cách thời gian giữa lần dùng cuối và thời điểm lấy máu - Phương pháp xét nghiệm cortisol (miễn dịch [thường dùng] hay LC-MS/MS) [2] 

1) Các corticoid khác nhau có mức độ ảnh hưởng khác nhau lên xét nghiệm cortisol.  

- Hydrocortison: Ảnh hưởng trung bình đến việc ức chế trục HPA nhưng do có cấu trúc giống cortisol nội sinh, sẽ làm tăng giả kết quả nếu lấy mẫu sau dùng thuốc, vì vậy tùy theo liều lượng dung thuốc mà cortisol huyết thanh đo được sẽ theo đó mà thay đổi. [3].  

- Prednisone và methylprednisolon có thời gian tác dụng trung bình, gây ức chế mạnh đến trục HPA, mạnh hơn prednisone do ái lực cao hơn với thụ thể glucocorticoid và có thể phản ứng chéo trong các xét nghiệm miễn dịch cortisol thông thường, khiến cortisol đo được cao giả tạo. [4].

- Dexamethasone: Loại thuốc có tác dụng ức chế rất mạnh trục HPA – lại không gây phản ứng chéo với xét nghiệm miễn dịch cortisol, nhờ đó không làm sai lệch kỹ thuật định lượng. Chính vì vậy, dexamethasone được sử dụng rộng rãi trong test ức chế qua đêm để chẩn đoán hội chứng Cushing [5]. 

2) Khuyến nghị lâm sàng khi đo cortisol (8 giờ sáng) 

- Không nên đo cortisol máu ngay sau khi dùng corticoid, vì kết quả có thể bị sai lệch (tăng giả hoặc giảm thật), hoặc nói chung quy rằng khi đang dung corticoid thì việc xét nghiệm cortisol gần như không có bất kỳ giá trị nào để chẩn đoán bệnh lý hay đánh giá được chức năng sinh lý của tuyến thượng thận.  Vì sự gây nhiễu mà các loại corticoid ngoại sinh mang lại đến trục HPA và phản ứng chéo đến xét nghiệm cortisol.

- Hydrocortison: Với thời gian bán hủy ngắn (8-12 giờ)  do đó cần lấy máu trước liều sáng hoặc ngưng thuốc ≥24 giờ nếu có thể [3].  

- Methylprednisolon/prednisone: Nên ngưng thuốc 48–72 giờ nếu an toàn, hoặc sử dụng kỹ thuật LC-MS/MS để tránh nhiễu [4].  

- Dexamethasone không gây nhiễu xét nghiệm cortisol, nhưng do có thời gian bán thải dài (36–72 giờ) và tác dụng ức chế HPA rất mạnh nên khuyến cáo rằng cần ngưng ít nhất 72 giờ trước khi định lượng cortisol để tránh ức chế tồn lưu trục HPA làm giảm cortisol nội sinh [5].  

- Khi nghi ngờ suy thượng thận do corticoid, điều bắt buộc là phải đánh giá lâm sàng (kiểu hình Cushing, tiền sử dùng thuốc ngoại sinh,&hellip, khi không rõ ràng cần phối hợp định lượng ACTH hoặc làm test kích thích ACTH ngắn (Synacthen) nếu điều kiện cho phép [1][2]. Chuyển BS Nội tiết đánh giá cũng là một lựa chọn phù hợp. 

____________________________________________________ 

Tài liệu tham khảo 

1. Bornstein SR, et al. Diagnosis and treatment of primary adrenal insufficiency: An Endocrine Society Clinical Practice Guideline. J Clin Endocrinol Metab. 2016;101(2)64–89. 

2. Charmandari E, et al. Adrenal insufficiency. Lancet. 2014;383(9935):2152-67. 

3. Hoyer D, et al. Effect of glucocorticoids on adrenal testing: What the clinician needs to know. J Clin Endocrinol Metab. 2020;105(12):1–13. 

4. Lippi G, et al. Interference in immunoassay – focus on cortisol and corticoids. Clin Biochem. 2016;49(18):1470–7. 

5. Nieman LK. Cushing’s syndrome: update on signs, symptoms and biochemical screening. Eur J Endocrinol. 2015;173(4):M33–M38. 

BS. Trần Hửu Nhật Trường - Khoa Nội tiết

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức