CATHETER CHẠY THẬN NHÂN TẠO

Bởi supadmin -16-03-2023
Chạy thận nhân tạo là một trong những phương pháp điều trị thay thế thận khi thận không còn đảm bảo chức năng loại bỏ các chất thải như ure, creatinine, lượng dịch dư thừa và duy trì vừa đủ nước cần thiết cho cơ thể, điều chỉnh rối loạn điện giải…

   Trong quá trình chạy thận nhân tạo, máu được rút ra từ mạch máu và đi qua một quả lọc tổng hợp, được gọi là quả lọc máu. Trong quả lọc, máu được làm sạch trước khi đưa trở lại cơ thể bệnh nhân. Do đó quả lọc máu còn được gọi là thận nhân tạo

   Tuy nhiên muốn có đủ lưu lượng máu để thực hiện được quá trình chạy thận nhân tạo thì người bệnh phải có catheter tĩnh mạch trung tâm hoặc AVF (Arteriovenous fistulation) cầu nối động tĩnh mạch. Trong bài này chúng tôi xin đề cập đến catheter trong chạy thận nhân tạo:

1. Catheter có đường hầm

Nguyên lý : sử dụng catheter có nút chặn (cuff), tạo đường hầm dài 8 - 10 cm chôn catheter dưới da, xa chỗ tiếp cận tĩnh mạch, đặt cuff ở sát lối ra của catheter, nhờ vậy sẽ hạn chế được nhiễm trùng catheter

   Vị trí đặt catheter : tĩnh mạch cảnh trong

   Ưu điểm của catheter có đường hầm

  • Sử dụng được ngay sau khi đặt xong
  • Không phải tiêm chích khi lọc máu
  • Lưu được lâu hơn catheter thông thường

   Nhược điểm của catheter có đường hầm

  • Dễ bị nhiễm khuẩn nếu không đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn
  • Bất tiện trong sinh hoạt
  • Tắc do huyết khối
  • Lưu lượng máu có lúc không đủ

   Một số điểm lưu ý khi sử dụng catheter có đường hầm

  • Nắp đậy nòng catheter: không sử dụng lại, dùng nắp mới, ngâm cồn sát trùng kỹ
  • Khi gắn kết catheter vào máy thận phải tuyệt đối đảm bảo nguyên tắc vô trùng, kết nối càng nhanh càng tốt tránh để hở ngoài không khí quá lâu
  • Sau khi kết nối catheter máy thận xong, phải quấn gạc tẩm betadin quanh chổ kết nối, sát trùng chân catheter bằng betadin, đắp gạc có tẩm betadin lên chân catheter
  • Hướng dẫn bệnh nhân giữ sạch catheter, tránh để nước nhiễm bẩn vào catheter, giữ gìn vệ sinh cá nhân
  • Phải lấy hết huyết khối trong nòng catheter trước khi gắn vào máy thận
  • Phải chống đông đúng liều heparin vào mỗi nòng catheter để tránh tắc catheter

   Các biến chứng của catheter có đường hầm

  • Các biến chứng liên quan đến thủ thuật đặt catheter như: chảy máu, khối máu tụ, tràn dịch, tràn khí, tràn máu màng phổi…
  • Tắc catheter
  • Nhiễm khuẩn catheter: nhiễm khuẩn đường hầm catheter, lối ra, nhiễm khuẩn huyết tiêu điểm từ catheter
  • Catheter lưu lượng không đủ
  • Hẹp tĩnh mạch trung tâm

2. Catheter không có đường hầm

   Thường đặt ở tĩnh mạch đùi, tĩnh mạch cảnh trong, thời gian lưu catheter không được lâu khoảng 2-4 tuần, dễ bị nhiễm khuẩn do vi khuẩn xâm nhập trực tiếp lối vào của catheter, ngoài ra còn gây biến chứng hẹp tắc tĩnh mạch

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Bách, Thực Hành Thận Nhân Tạo, P 55,56

2. Bộ Y Tế, Quy Trình Kỹ Thuật Chăm Sóc Catheter Trung Tâm cho lọc máu

BS Lê Thanh Nguyên - Khoa Nội Thận Tiết Niệu

Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Thủ Đức